Chiều ngày 5/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị có quyết định phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế. Ban Cán sự đảng Chính phủ đã họp, phân trách nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế với ông Đam.
Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị có quyết định phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến được điều chuyển sang làm Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương. Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động của Bộ Y tế trước Bộ Chính trị, trước Trung ương, cũng như trước Chính phủ.
Theo ông Dũng, với trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, khi Quốc hội chưa họp, Thủ tướng sẽ giao quyền Bộ trưởng cho cán bộ được phân công. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội, để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng.
Ông Dũng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã họp, phân rõ trách nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Chính phủ đang thực hiện nội dung này theo trình tự, thủ tục được quy định.
“Trước mắt chúng ta phải chờ Quốc hội miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã, sau đó mới thực hiện quy trình tiếp theo”, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói thêm.
Chiều ngày 14/11, Hội nghị hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 24 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Hà Nội. Hội nghị do Hội Hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương kết hợp cùng Hội Hô hấp Việt Nam tổ chức.
Hội nghị hô hấp châu Á-Thái bình dương (APSR) lần thứ 24 với chủ đề “Chia sẻ những kiến thức và phương pháp tiếp cận mới trong lĩnh vực hô hấp” sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 14-17/1, thu hút hơn 2000 đại biểu quốc tế đăng kí tham dự; 82 diễn giả với 118 bài giảng; 520 báo cáo viên với gần 250 bài báo cáo là hơn 400 báo cáo poster sẽ đề cập đến các nội dung chuyên sâu: Y học hô hấp lâm sàng; Sinh học tế bào và phân tử; Dị ứng lâm sàng và Miễn dịch học; Sức khỏe môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và dịch tễ học; Nhiễm trùng hô hấp (Không do lao); Lao phổi; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; Hen; Sinh học hô hấp và giấc ngủ; Hồi sức cấp cứu; Nội soi phế quản và Kỹ thuật can thiệp; Bệnh phổi nhi; Cấu trúc và chức năng hô hấp; Tuần hoàn phổi; Bệnh phổi kẽ; Ung thư phổi…
Phát biểu tại Phiên khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương nhấn mạnh: Hội nghị là một trong những diễn đàn khoa học quan trọng nhất trong khu vực về các bệnh hô hấp. Nội dung hội nghị năm nay sẽ bao trùm các bệnh về phổi và các bệnh lý hô hấp nghiêm trọng khác, rối loạn ngưng thở khi ngủ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen, ung thư phổi, suy hô hấp mạn tính và cấp tính và nhiều chủ đề khác. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Chính phủ và Lãnh đạo ngành y tế Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, luật pháp và phân bổ các nguồn lực quan trọng để hỗ trợ và phát triển y tế. Các thầy thuốc được đào tạo chuyên nghiệp, liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Bộ trưởng cũng tin tưởng, hội nghị này sẽ cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và là cơ hội để các chuyên gia về hô hấp gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp. Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin về hội nghị, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc phụ trách quản lý và điều hành Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch hội Hô hấp Việt Nam cho hay tần suất mắc COPD trong dân số chiếm khoảng 4,4% số người trên 40 tuổi và tỷ lệ này có xu hướng ngày một tăng. Nguyên nhân chính gây COPD, ngoài yếu tố do hút thuốc lá, thuốc lào, thì ô nhiễm môi trường (do khói bụi từ các phương tiên giao thông, từ khói bếp than, khói đốt rơm rạ) cũng đang được coi là 1 trong những yếu tố quan trọng.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, cũng chia sẻ: các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhâp viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn. “Chúng tôi có kết hợp với Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Nhi Trung ương nghiên cứu về tần suất nhập viện của bệnh hô hấp, bệnh tim mạch tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, trong những đợt ô nhiễm không khí cao điểm, tần suất nhập viện tăng lên. Như vậy, mối liên quan giữa bệnh hô hấp với ô nhiễm không khí, với thời tiết giao mùa đang là 1 thách thức với xã hội”.
Các chuyên gia cho biết, trong các thành phần gây ô nhiễm, không khí bụi mịn và yếu tố quan trọng nhất đối với chất lượng không khí. Do kích thước quá nhỏ nên khi chúng ta hít vào, cơ thể không cảm nhận được và không thể đẩy ra ngoài, bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào các phế nang gây tổn thương phổi, xơ phổi; chúng xuyên qua các phế nang, mao mạch xâm nhập vào hệ tuần hoàn chung của cơ thể, gây tổn thương nhiều cơ quan, ảnh hưởng đến tim mạch, gây các phản ứng viêm trong cơ thể. Các chất trung gian sinh ra do phản ứng viêm sẽ gây đột quỵ não, tăng nguy cơ bệnh lý về tim mạch.
Với việc ban hành các hướng dẫn điều trị, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong quản lý và điều trị các bệnh về hô hấp. Hiện nay, các kỹ thuật thăm dò chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành hô hấp đã được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nhanh chóng như nội soi phế quản ống mềm, nội soi lồng ngực, nội soi phế quản ảo, sinh thiết xuyên vách phế quản dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang… góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Vết mổ sau khi sinh khiến mẹ bầu cảm thấy vô cùng đau đớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như vấn đề vận động, cho con bú hay trầm cảm sau sinh. Để cải thiện tình trạng này, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai đã và đang triển khai dịch vụ kỹ thuật mới: “Giảm đau sau mổ bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng”.
Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê ngoài màng cứng là kĩ thuật sử dụng thuốc tê tại chỗ hoặc các thuốc thuộc dòng họ mocphin bơm vào khoang ngoài màng cứng để giảm đau nhờ các thuốc này ngấm trực tiếp vào các rễ thần kinh hoặc các ổ nhận cảm đặc hiệu.
. Sở dĩ phương pháp này được đánh giá cao vì tính linh hoạt của nó, bởi có thể dùng như một kỹ thuật vô cảm (làm một vùng cơ thể mất cảm giác hoàn toàn), hoặc chỉ sử dụng để giảm đau.
Gây tê ngoài màng cứng có đau không?
Một số phụ nữ lo sợ việc gây tê ngoài màng cứng hơn cả việc sinh con. Tuy nhiên, hầu hết những ai đã từng thực hiện đều cho biết thủ thuật gây tê ngoài màng cứng dễ chịu hơn nhiều so với những cơn đau khi bị kim tiêm dịch truyền hay thậm chí so với một cơn co thắt tử cung khi sinh. Bạn có thể cảm nhận được thuốc tê đang được truyền vào cơ thể qua cathater. Qúa trình tiêm thuốc gây tê chỉ mất khoảng 5 giây. Thuốc tê sẽ bắt đầu phát huy tác dụng sau 2 – 3 phút và đạt đỉnh sau 7 – 10 phút. Vì vậy cơn đau của bạn sẽ chấm dứt hoàn toàn sau 10 phút.
Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến mẹ và bé không?
Phương pháp này dễ làm tăng nhiệt độ cơ thể do tác dụng của thuốc tê gây dãn mạch máu, tuy nhiên không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Trưởng hợp sau mổ lấy thai, nếu không gây tê, cơn đau sẽ kích thích cơ thể giải phóng các hormone gây stress vào trong mạch máu, làm tăng nhịp tim cũng như tăng chuyển hướng máu từ tử cung. Ngoài ra, cơn đau sẽ làm mẹ bầu hạn chế vận động, sinh hoạt cũng như cho con bú. Và gây tê ngoài màng cứng sẽ khắc phục được tất cả các hiện tượng này mà không gây ảnh hưởng cho mẹ và bé.
Giảm đau sau mổ bằng gây tê ngoài màng cứng
Ngoài công dụng giúp mẹ bầu đẻ không đau khi sinh thường hay sinh mổ, gây tê ngoài màng cứng còn có lợi ích giảm đau sau mổ đến 48 – 72h.
Để thực hiện được thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng thuốc tê có nồng độ thấp hay nhóm thuốc họ opioids, hoặc cả hai, sau đó tiêm qua cathater ngoài màng cứng vào trong khoang ngoài màng cứng. Lượng thuốc này sẽ giúp mẹ không còn cảm thấy đau đớn trong suốt 48h – 72h sau mổ, đồng thời giảm cả ảnh hưởng do phẫu thuật lên các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt, với phương pháp này, mẹ bầu vẫn có thể sinh hoạt, đi lại, vận động và cho con bú bình thường. Những lưu ý khi tiến hành phương pháp gây tê ngoài màng cứng
Trước khi tiến hành gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sau sinh mổ, mẹ bầu cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về nguy cơ, rủi ro, biến chứng và tác dụng phụ của thuốc gây tê mà cơ thể mẹ có thể gặp phải. Cần thăm khám và nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để chắc chắn mình có thể sử dụng kỹ thuật này không nhé.
Trong quá trình gây tê, cần làm theo đúng yêu cầu của bác sĩ về tư thế (có thể ngồi cong lưng hoặc nằm nghiêng sao cho hai đầu gối gập vào bụng, đầu cúi sâu xuống ngực…).
Khi bác sĩ bắt đầu tiêm thuốc tê, thuốc chảy tới đâu, mẹ bầu sẽ cảm thấy man mát, tê tê chỗ đó. Sau khoảng 15 phút, thuốc tê bắt đầu có tác dụng, cảm giác đau đớn của mẹ sẽ không còn nữa và việc “vượt cạn” sẽ nhẹ nhàng hơn bao giờ hết./.
Ngày 15/10, trong buổi làm việc tại Thái Nguyên, trực tiếp đi thăm Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện, tiếp xúc bệnh nhân, Bộ trưởng Tiến bày tỏ xúc động, khi đây có thể là chuyến công tác cuối cùng của bà trên cương vị Bộ trưởng Y tế. Kết thúc buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của T.Ư về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và công tác y tế cơ sở diễn ra chiều muộn ngày 15/10, Bộ trưởng Tiến “bông đùa” cuộc họp kết thúc vừa kịp lúc để mọi người có thể cùng xem bóng đá (trận bóng giữa Đội tuyển quốc gia Việt Nam và Indonesia diễn ra chiều 15/10).
Sau phút vui vẻ về bóng đá, bà Tiến xúc động chia sẻ, chuyến công tác tại Thái Nguyên có thể là chuyến công tác cuối cùng của bà trên cương vị Bộ trưởng.
Chiều mai (16/10) Bộ trưởng cũng có lịch công tác tại thành phố Huế nhưng về một nội dung khác, có khả năng không có sự tiếp xúc trực tiếp với từng người bệnh, chia sẻ với niềm vui của sản phụ vừa sinh con như chuyến công tác tại Thái Nguyên ngày 15/10.
Trong sáng 15/10, Bộ trưởng Y tế đã đến thăm Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, Trạm Y tế xã Sơn Cẩm và Bệnh viện A Thái Nguyên. Bộ trưởng Y tế xúc động trong chuyến công tác cuối cùng trên cương vị bộ trưởng Đến nay, Bộ trưởng Tiến đã có 8 năm trên cương vị Bộ trưởng Y tế, 5 năm làm công tác Thứ trưởng. Sắp tới, bà sẽ đảm nhiện công việc trưởng Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong những năm qua, bộ mặt ngành y đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. Năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến Trung ương là 58%, tuyến tuyến tỉnh là 47% thì sang năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 2 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 16,7% ở tuyến Trung ương và 11,4% ở tuyến tỉnh.
Công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương giảm, tăng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện; Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên, tiến tới mục tiêu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải bệnh viện (Đạt mục tiêu đề ra của Đề án giảm quá tải bệnh viện).
Tư lệnh ngành y cũng chia sẻ, theo quan điểm của bà, ngành y tế Việt Nam phải phát triển theo mô hình kiềng 3 chân mới bền vững.
Kiềng thứ nhất, đó là chăm sóc sức khỏe con người khi chưa bị bệnh (chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng phòng bệnh, ngăn ngừa suy dinh dưỡng, béo phì, tim mạch, phát hiện dị tật thai nhi ngay trong thời gian mang thai…); Kiềng thứ 2 là khi đã bị bệnh phải vào viện, kể cả hệ thống công lập hay dân lập, người bệnh cần được khám chất lượng nhất và hài lòng nhất, không để ai khó khăn tài chính mà bỏ lại phía sau, kể cả các kỹ thuật cao. Kiềng thứ 3 để giúp cân đối, vững bền hai kiềng trước đó, đó là tài chính y tế, nhân lực y tế và các cung ứng khám chữa bệnh là thuốc và trang thiết bị.
Trong suốt quá trình công tác của mình, nhiều lần bà Tiến chia sẻ, điều bà tâm đắc nhất là thái độ nhân viên y tế đã hoàn toàn thay đổi. Cơ sở vật chất được cải thiện, nhưng thay đổi con người là khó nhất.
Trước năm 2012, nhiều bệnh viện chỉ có ghế đá, ghế nhựa mà cũng không đủ chỗ ngồi cho bệnh nhân, bệnh nhân đứng ngồi lố nhố dưới sàn nhà. Thì nay, không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương, mà bệnh viện tuyến huyện cũng thay đổi hẳn, phòng ốc khang trang, bộ mặt khoa khám bệnh thay đổi, giờ toàn ghế ngồi chờ như sân bay, khám bệnh thì lấy số điện tử, có những bệnh viện tuyến huyện đẹp như công viên.
Giường bệnh những năm trước là trải chiếu, chỉ có quạt, không có máy lạnh, tủ đầu giường hoen gỉ thì nay đã thay đệm, điều hòa, giường bệnh đạt chuẩn.
Bệnh nhân vào viện thay vì tự mò mẫm tìm nơi khám, nay có bàn tiếp đón, có phòng công tác xã hội, có đường dây nóng, có hòm thư góp ý, có camera giám sát.
Rõ nhất là đường dây nóng, trước kia “nóng máy”, mỗi năm mười mấy ngàn cuộc gọi phản ánh giờ ít đi rất nhiều cho thấy việc thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được người dân và cả cán bộ y tế đồng tình ủng hộ; ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang trạng thái “cung cấp dịch vụ, phục vụ”, Bộ trưởng Tiến nói.
Mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế: đạt chung 89,8% (Trung ương: 88%; tỉnh: 94%; huyện: 85,7% – số liệu 6/2017). Một khảo sát được thực hiện độc lập cho thấy, tỉ lệ hài lòng của người nhà sau khi ra viện là trên 80%.